[Cần biết] Thân nhiệt của gà là bao nhiêu? Cơ chế điều tiết nhiệt độ cơ thể gà?
Thân nhiệt là gì?
Thân nhiệt là nhiệt độ cơ thể của người và động vật. Hiện nay, Động vật được chia thành hai nhóm chính là nhóm biến nhiệt và nhóm hằng nhiệt.
+ Động vật biến nhiệt có thân nhiệt biến đổi theo môi trường sống: cá, ếch, nhái, bò sát..
+ Động vật hằng nhiệt: Thân nhiệt duy trì ở một trị số tương đối nhất định. Động vật hằng nhiệt có thân nhiệt thay đổi trong phạm vi hẹp, phụ thuộc vào độ tuổi, trạng thái sinh lý, trạng thái thần kinh, nhịp sinh học…
Thân nhiệt của gà
Hầu hết các giống gia súc, gia cầm đều có thân nhiệt ổn định. Thân nhiệt của gà cao hơn thân nhiệt của người, trung bình từ 39.8 độ C cho tới 43.6 độ C
Thân nhiệt trung bình của một số loài động vật khác:
+ Trâu, bò: 37,5 - 38,5 độ C
+ Lợn: 38 - 39,5 độ C
+ Gà vịt 42,5 độ C,
+ Mèo 38,8 độ C,
+ Chó 39,2 độ C,
+ Thỏ 39,5 độ C,
+ Ngựa 38 độ C,
+ Khỉ 38,3 độ C,
+ Dê 38,5 - 40 độ C,
+ Cừu 39 - 40 độ C
Tuỳ theo từng loài và từng độ tuổi động vật có thân nhiệt khác nhau.
Cơ chế tự điều tiết nhiệt độ cơ thể của gà
Không giống một số loài động vật máu nóng, gà không có tuyến mồ hôi để giải phóng nhiệt độ cơ thể. Do đó, gà thường tỏa lượng nhiệt dư thừa theo bốn cách sau:
C1. Bức xạ nhiệt: Tức gà sẽ truyền sức nóng của mình cho các đối tượng xung quanh qua không khí, từ bề mặt da bằng các tia bức xạ nhiệt.
C2. Truyền dẫn nhiệt: Gà tìm kiếm, chui rúc với mục đích tiếp xúc trực tiếp với các vật có nhiệt độ mát như đất, đệm sàn, nền tường ẩm,… và truyền dẫn nhiệt trực tiếp từ cơ thể cho các vật lạnh đó.
C3. Đối lưu nhiệt: Thoát nhiệt lên trên theo hình thức đối lưu. Để tăng thoát nhiệt cơ thể bằng hình thức đối lưu, gà sẽ tìm đến một nơi mát mẻ trong chuồng, giang rộng đôi cánh, mở rộng mạch máu trong các vách và da.
C4. Bốc hơi nước: Vì không có tuyến mồ hôi nên việc bốc hơi nước sẽ không xuất hiện trên bề mặt da mà chủ yếu qua đường hô hấp để giảm nhiệt độ cơ thể (gà thở hổn hển). Để bốc hơi 1 gram nước, gà phải tiêu tốn 540 calo năng lượng. Do đó, nếu bạn để độ ẩm chuồng nuôi cao thì ngoài việc tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, tăng sinh khí độc Amoniac mà còn làm giảm khả năng trao đổi nhiệt của cơ thể gà với môi trường.
Hiện tượng STRESS NHIỆT của gà
Stress nhiệt là hiện tượng xẩy ra khi nhiệt độ và độ ẩm gây bất lợi cho gà. Stress nhiệt của gà bắt đầu xảy ra khi nhiệt độ trong chuồng lớn hơn 27 độ C. Nếu tăng đến 47 độ C, gà trống sẽ chết. Trên thực tế, tốc độ gió, độ ẩm … cũng là một trong những yếu tố gây Stress cho gà, nhưng nhiệt độ là yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến năng suất của gà, đặc biệt là gà đẻ.
Các yếu tố dẫn đến Stress nhiệt
1. Nhiệt độ tối đa của chuồng nuôi
2. Khoảng thời gian nhiệt độ cao duy trì
3. Chênh lệch nhiệt độ tương đối trong không khí
4. Độ ẩm không khí
Ảnh hưởng của stress nhiệt đối với gà
+ Gà giảm ăn: Việc suy giảm cảm giác ngon miệng sẽ khiến gà không đảm bảo đủ năng lượng cần thiết cho hoạt động chuyển hóa trong cơ thể như chuyển hóa protein, carbohydrate. Bên cạnh đó, việc giảm ăn làm gà thiếu các chất dinh dưỡng cần thiết, ảnh hưởng đến sức đề kháng và tăng trưởng của gà thịt, ảnh hưởng đến sức đề kháng, năng xuất, kích thước và chất lượng trứng, tỷ lệ nở của gà đẻ.
+ Tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ cấp: Nhiệt độ chuồng quá nóng khiến gà thở bằng miệng thay vì bằng khoang mũi (hệ thống lọc vi khuẩn và bụi bẩn từ không khí). Điều này khiến gà bị tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ cấp.
+ Ảnh hưởng đến việc hình thành vỏ trứng ở gà đẻ. Khi nhiệt độ cơ thể gà tăng cao, phổi sẽ tăng cường hô hấp. Biểu hiện là gà sẽ ngẩng đầu, thở hổn hển để giảm nhiệt cơ thể. Quá trình tăng hô hấp này sẽ làm giải phóng carbon dioxide trong máu qua phổi, Làm mất cân bằng lượng axit trong máu, máu nghiêng kiềm. Điều này gây ra hiện tượng thay đổi nồng độ bicarbonate và canxi trong máu. Kết quả làm giảm canxi cacbonat dưới mức cần thiết cho việc hình thành vỏ trứng.
Giải pháp làm giảm Stress nhiệt
1. Thiết kế chuồng nuôi
- Thiết kế chuồng cao ráo, thông thoáng, mát mẻ vào mùa hè, tránh mưa tạt, gió lùa.
- Hướng chuồng: đông nam hoặc đông tây, có thể tránh bức xạ mặt trời.
- Trồng cây xanh xung quanh chuồng để tạo bóng mát.
- Giữ Nền chuồng luôn sạch sẽ, trải mỏng chất độn chuồng và thay thế định kỳ sao cho chuồng luôn khô ráo, sạch mầm bệnh.
- Mái nhà thiết kế đạt tiêu chuẩn chuồng trại: sử dụng tấm Tarpfoil phản xạ 98% nhiệt bức xạ, tạo hàng rào cản nhiệt, cải thiện môi trường trong chuồng nuôi gà.
2. Biện pháp chống nóng hằng ngày
- Cung cấp thường xuyên nguồn nước sạch, mát.
- Tăng lượng nước ,máng uống.
- Nếu có thể, xây ngầm Đường ống dẫn nước và bể nước. Đồng thời nên có mái cách nhiệt để giữ cho nước càng mát càng tốt (nước mát có thể giúp cho gà hạ thấp được nhiệt độ trong cơ thể)
3. Chế độ dinh dưỡng hợp lý
- Sử dụng dinh dưỡng hợp lý.
Ví dụ: Để gà hấp thu tốt hơn trong mùa nóng, một trang trại nên cho gà ăn vào 6h sáng, 6h chiều, 21h tối.
- Thay thế tinh bột bằng thức ăn có chứa nhiều chất béo. Đây là một cách để hạn chế sản sinh nhiệt bởi việc giải phóng nhiệt từ tiêu hóa và trao đổi chất của tinh bột cao hơn 30% so với chất béo.
- Tăng số máng ăn để gà không phải mất quá nhiều công sức hay chen chúc để ăn.
- Bổ sung vitamin C, điện giải, đường vào nước uống giúp gà giải nhiệt, tăng sức đề kháng.
- Bổ sung thêm D,L, methionine, tăng khả năng tiêu hóa thức ăn.
- Nuôi gà ở mật độ vừa phải, 9 - 10con/m2 với gà thịt và 4 - 5con/m2 với gà giống.
Với hộ chăn nuôi gà bằng chuồng kín:
- Nhiệt độ chuồng nuôi đảm bảo từ 22 - 25 độ C; độ ẩm 75%.
- Hạn chế tối thiểu sự thay đổi nhiệt độ trong chuồng nuôi. Nên dùng nhiệt kế và ẩm kế để trong chuồng để tiện theo dõi. Khi nhiệt độ tăng cao hơn 25 độ C, có thể phun nước lên mái, dàn mát… .
4. Chủ động phòng bệnh cho gà
- Tiêm phòng cho gà đầy đủ các bệnh nguy hiểm như: Cúm gia cầm, Newcastle, Gumboro, Marek, IB…
- Phun sát trùng định kỳ khoảng 2-3 lần/tuần.
- Tẩy giun sán và diệt chuột bọ xung quanh trang trại.
- Theo dõi, phát hiện sớm gia cầm ốm, tiến hành cách ly, xử lý kịp thời tránh lây lan ra toàn đàn
- Sau đợt nắng nóng: bổ sung vitamin, chất dinh dưỡng. Tránh để gà thiếu chất, giảm cân, mệt mỏi.
- Bổ sung muối ăn, điện giải, B-complex giàu vitamin C vào trong thức ăn, nước uống để giải nhiệt.
Bài viết cung cấp một số thông tin về thân nhiệt của gà, cách gà tự điều chỉnh nhiệt độ cơ thể, hiện tương Stress nhiệt ở gà - nguyên nhân, biểu hiện và cách phòng chống hiệu quả.
Nhận xét
Đăng nhận xét